Sáng ngày 31/8/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức thành công Tọa đàm Quốc tế “Chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Việt Nam và Đài Loan”.
Toạ đàm nằm trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu Đài Loan với tên gọi “Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu về kinh tế các-bon thấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu ở Đài Loan” giai đoạn 2021-2024 do Bộ Giáo dục Đài Loan tài trợ thông qua Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam nhằm chia sẻ các chính sách và thực tiễn về phát triển kinh tế các-bon thấp, năng lượng bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Đài Loan.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu ngoài trường có ông Steven Lin – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam; bà Wan-ting Yen – Phó phòng nghiên cứu III, Viện Nghiên cứu Đài Loan; TS. Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; TS. Mai Huy Tân – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển xanh THDV. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ba, Khoa, Viện, Trung tâm, các giảng viên, sinh viên của Trường, các nhà nghiên cứu, các nhà thực tiễn đến từ các viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc
Thay mặt Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Thọ cảm ơn các vị khách quý, giảng viên, nhà nghiên cứu đã tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu tại Tọa đàm. PGS. Bùi Đức Thọ khẳng định, những mục tiêu quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính chống biến đổi khí hậu đã được cam kết từ Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) năm 2021. Những nỗ lực đáng kể trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã thay đổi cách thức phát triển của ngành năng lượng, đưa ngành năng lượng vào lộ trình đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26 là rất quan trọng. Việc chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp được thừa nhận rộng rãi là một xu hướng tất yếu trong tương lai thông qua chuyển dịch khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là sự thay đổi công nghệ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà phải giải quyết các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của việc phát triển năng lượng sạch. Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng có thể giúp giải quyết các mối quan tâm quan trọng khác của thế giới như biến động giá năng lượng và an ninh năng lượng cũng như mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới.
PGS. Bùi Đức Thọ cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc áp dụng các giải pháp hướng tới năng lượng bền vững. Tuy nhiên, ngành năng lượng Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn và công nghệ phù hợp; trong khi đó, Đài Loan là một trong những quốc gia hàng đầu ở Châu Á tham gia tích cực trong việc nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hiệu quả năng lượng cũng như ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo. Do đó, việc chia sẻ các chính sách và kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Việt Nam và Đài Loan đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ông Steven Lin – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại Toạ đàm, Ông Steven Lin – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc cũng nhấn mạnh, các quốc gia đang áp dụng nhiều cách tiếp cận và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là một nhiệm vụ cấp bách và đầy thách thức, đòi hỏi những lựa chọn có tầm nhìn xa, các khoản đầu tư khôn ngoan và tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển công nghệ và tài chính. Là nền kinh tế công nghiệp hóa, Đài Loan chú trọng nhiều đến việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh và ít carbon thông qua lộ trình chuyển đổi năng lượng ở cả phía cung và cầu. Đài Loan cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch và triển khai các công nghệ năng lượng xanh và giảm thiểu carbon liên quan đến việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đài Loan. Đài Loan luôn mong muốn mở rộng hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đa phương. Do vậy, hợp tác quốc tế nói chung và giữa Việt Nam và Đài Loan nói riêng trong việc chia sẻ chính sách và thực tiễn liên quan đến chuyển dịch năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả hai quốc gia đặt mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
PGS.TS Vũ Thị Hoài Thu – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Các chính sách hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Việt Nam”
Cũng tại Toạ đàm, PGS.TS Vũ Thị Hoài Thu – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có bài trình bày về những cơ hội, thách thức của việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Việt Nam cũng như đề xuất những hành động mà Việt Nam cần thực hiện trong giai đoạn tới để đạt được mục tiêu này. Theo đó, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng và thực hiện các luật, chiến lược và kế hoạch liên quan đến sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam cần cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho các ngành và địa phương, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng 0, đồng thời tăng cường các cơ chế hợp tác, mạng lưới và diễn đàn giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn lực để thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bà Wan Ting Yen – Viện Nghiên cứu Đài Loan trình bày tham luận “Chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Đài Loan”
Bà Wan-ting Yen – Viện Nghiên cứu Đài Loan đã trình bày bối cảnh quốc tế và sự thay đổi về phát thải khí nhà kính tại các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới và các cột mốc trong mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Đài Loan. Đài Loan đã ban hành nhiều luật, chính sách và sáng kiến để thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là Kế hoạch Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Luật Ứng phó với biến đổi khí hậu. Bốn trụ cột chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Đài Loan (chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi công nghiệp, lối sống bền vững và quy trình công bằng cho tất cả mọi người) được tích hợp với hai nền tảng quản trị (công nghệ phát thải ròng bằng 0/không phát thải và luật khí hậu). Các trọng tâm đặc biệt được đặt vào 12 chiến lược chính: điện gió/mặt trời, hydro, năng lượng mới, hệ thống điện và lưu trữ năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công nghê thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, xe điện và xe không phát thải carbon, tái chế tài nguyên và không lãng phí, bể chứa carbon, lối sống xanh, tài chính xanh, và chuyển đổi công bằng. Quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Đài Loan đặt ưu tiên vào năng lượng gió, điện mặt trời, tích hợp hệ thống và lưu trữ năng lượng, năng lượng mới (hydro, địa nhiệt sâu, đại dương).
TS. Nguyễn Ngọc Hưng – Viện Năng lượng, Bộ Công Thương trình bày tham luận “Chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Việt Nam”
Trong phần thảo luận, TS. Mai Huy TânCông ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Xanh THDV đã chia sẻ sáu chiến lược nhằm đạt được mục tiêu giảm 500 tỷ tấn CO2 vào năm 2050 ở Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực: điện tái tạo, điện phân nước, nông lâm nghiệp hữu cơ, rác thải, công nghệ vật liệu xây dựng mới và trồng rừng. Những chiến lược này được đặt ra từ góc nhìn của các doanh nghiệp, do ngày nay đang có sự nhận thức ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp về tác động của hoạt động sản xuất đối với môi trường và khí hậu. Nhiều công ty đang tích cực tìm kiếm các giải pháp giảm dấu chân carbon và tăng cường các nỗ lực hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài các bài thuyết trình và thảo luận giữa các diễn giả chính và khách mời, trong Tọa đàm, ấn phẩm Số chuyên san về chủ đề Kinh tế và Quản lý Tài nguyên, Môi trường, Đô thị, Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững được xuất bản bởi Tạp chí Kinh tế và Phát triển (bản Tiếng Anh) đã được giới thiệu, thảo luận và thu hút sự quan tâm từ nhiều độc giả và các nhà khoa học tham dự Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Trong phiên bế mạc, PGS.TS Bùi Đức Thọ khẳng định Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nghiên cứu về kinh tế carbon thấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệp và cơ sở vật chất từ các tổ chức tại Đài Loan và Việt Nam để đạt được các mục tiêu đã đề ra một cách hiệu quả nhất./.
Bài và ảnh: Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị và Phòng Truyền thông