(CafeF) – Đúng như nhiều cảnh báo ban đầu, quy mô và sự dai dẳng của những tác động của COVID-19 về kinh tế là không thể lường trước…
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
COVID-19: Những thách thức mới đối với chính sách kinh tế vĩ mô (Kỳ 1)
Mới chỉ cách đây hơn 3 tuần, Việt Nam vẫn là nước giữ kỷ lục khi hơn 3 tháng không có ca nhiễm cộng đồng, và kể từ đầu dịch không có ca tử vong do COVID-19. Trạng thái hoạt động kinh tế – xã hội đang trên đà hồi phục, một số ngành trước đó bị ảnh hưởng nặng nề (hàng không, du lịch,…) đã có khởi sắc. Những nhận định nền kinh tế đang “tạo” đáy, đang “nằm” ở đáy hay đang “vượt qua” đáy đã xuất hiện. Ước vọng về hồi phục chữ V, nền kinh tế sẽ bật lại nhanh chóng đã le lói…. Tuy nhiên, việc xuất hiện ca nhiễm cộng đồng ngày 24 tháng 7 đã cho thấy cuộc chiến “diệt dịch như diệt giặc” và việc giữ “sạch lưới” COVID-19 là khó khăn như thế nào trong bối cảnh một đất nước với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài 4.000 km, và có độ mở về kinh tế rất lớn.
Đúng như nhiều cảnh báo ban đầu, quy mô và sự dai dẳng của những tác động của COVID-19 về kinh tế là không thể lường trước. Ở một số nước, chưa có ngày nào không có ca nhiễm mới từ khi có dịch, chưa bao giờ hết dịch lần 1, một số nước đã tái phát lần 2, lần 3. Các câu hỏi ngay từ khi đại dịch xuất hiện: Thiệt hại về kinh tế sẽ lan rộng ra sao? Quy mô thiệt hại đến mức nào? Thiệt hại sẽ kéo dài bao lâu? Và quan trọng nhất, chính phủ cần làm gì để đối phó dường như ngày càng có nhiều đáp án.
Kích thích tài khóa Keynes và những hệ lụy
Đa số các nhà kinh tế đều khuyến nghị chính sách tài khóa sẽ là công cụ tốt trong kịch bản đối phó với đại dịch, do các biện pháp tài khóa có thể nhanh chóng được triển khai nhằm trợ giúp có mục tiêu những đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện các biện pháp phòng dịch dẫn đến sụt giảm và mất đi thu nhập. Học thuyết Keynes đang sống lại với việc đề cao vai trò của nhà nước trong việc quản lý chu kỳ kinh doanh, chống lại suy thoái kinh tế. Chính phủ có thể chấp nhận mức thâm hụt ngân sách lớn hơn trong thời kỳ suy thoái để thúc đẩy nền kinh tế, với kỳ vọng rằng sẽ trả được nợ tích lũy trong trong tương lai khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Tuy nhiên, các gói kích thích tài khóa Keynes trong lịch sử không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu. Trên thực tế, lý thuyết này đã gặp phải vấn đề “không giải thích được” vào những năm 1970 khi tình trạng đình – lạm (stagnation) xuất hiện, lạm phát cao liên tục đồng thời với tỷ lệ thất nghiệp cao, thách thức nghiêm trọng giả thuyết “tăng chi tiêu sẽ thoát khỏi suy thoái”. Friedman khi đó đã đưa ra một phê phán sâu sắc học thuyết Keynes là nếu những biện pháp kích thích kinh tế bằng cách gia tăng chi tiêu chính phủ mà không khắc phục những khiếm khuyết mang tính cơ cấu tiềm ẩn của nền kinh tế thì chính sách này sẽ chỉ làm tăng lạm phát mà không làm giảm thất nghiệp.
Những khiếm khuyết từ gói kích thích tài khóa thường đến từ chính việc không thực hiện được mục tiêu ban đầu của nó do tính phức tạp và dễ bị lạm dụng trong quá trình triển khai. Những vấn đề đó đã khiến các nhà kinh tế và hoạch định chính sách với các quan điểm chính trị khác nhau thường là không thống nhất về thiết kế cụ thể của các gói kích thích tài khóa, thậm chí có quan điểm cho rằng các gói hỗ trợ này thường thiếu tính hiệu quả trong quản lý chu kỳ kinh doanh, dễ rơi vào tình trạng “lựa chọn ngược” và “rủi ro đạo đức”. Họ đề xuất rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, chính sách tài khóa không được xa rời mục tiêu cơ bản là giữ cho nợ công ở mức thấp và phân phối lại thu nhập phù hợp hơn.
Chủ nghĩa trọng tiền có phải là lời giải đáp?
Ngày càng rõ ràng là một mình chính sách tài khóa không thể cứu vãn được nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Lập luận của các nhà kinh tế trọng tiền là các chính sách tài khóa trước đây đã quan tâm quá nhiều vào sự bình đẳng thu nhập và do vậy đã làm giảm hiệu quả kinh tế, mà lẽ ra cần tập trung vào các vấn đề cơ bản là duy trì lạm phát thấp và ổn định, qua đó mức sống sẽ tăng lên về dài hạn. Chính vì vậy, trong những năm 1990 và 2000, một sự tổng hợp của kinh tế học Keynes và Friedman đã xuất hiện với chính sách được gọi với cái tên mới “mục tiêu lạm phát linh hoạt”. Mục tiêu trọng tâm của chính sách tổng hợp này là cần duy trì mức lạm phát thấp và ổn định, cho dù có một số thời kỳ, nhất là giai đoạn khi tăng trưởng và việc làm cần được ưu tiên thì vẫn có thể chấp nhận lạm phát ở mức cao nhất định. Công cụ chính là tăng và giảm lãi suất ngắn hạn để tác động đến tiêu dùng và đầu tư, chứ không lệ thuộc vào cung tiền, việc này có tính khả thi hơn khi các ngân hàng trung ương ngày càng độc lập với chính phủ. Khi lãi suất được điều chỉnh và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa thì nền kinh tế có thể giải quyết được tình trạng vay nợ và không ảnh hưởng đến cán cân ngân sách.
COVID-19: những thách thức mới với chính sách kinh tế vĩ mô
Các đại dịch trước đây có tác động khác nhau về kinh tế, nhưng chắc chắn là nhỏ hơn nhiều. Tác động của cú sốc Covid-19 là quá lớn và đã gây ra cuộc khủng hoảng kéo dài hơn dự kiến với những con số sụt giảm GDP cao nhất kể từ Đại suy thoái. Những dự đoán đặt hy vọng COVID-19 sẽ kết thúc trong vài tháng, vắc xin sẽ được triển khai và quá trình phục hồi sẽ bắt đầu đang trở nên ngày càng xa vời khi số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã liên tục phá vỡ các kỷ lục. Khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc trên quy mô toàn cầu, đang kéo dài hơn dự kiến. Quá trình hồi phục chữ V đã không xảy ra, ngoại trừ với thị trường chứng khoán.
Đại dịch đã đặt ra nhiều thách thức hơn đối với các chính sách vĩ mô, do tác động nghiêm trọng đến cả phía cầu và phía cung. Một thách thức đầu tiên đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh đại dịch lần này là chưa bao giờ trong các quyết định đưa ra lại cần tiếng nói chung của cả các chuyên gia y tế và các nhà kinh tế. Sự lựa chọn trong các thiết kế chính sách giờ đây không chỉ đơn giản là giữa sức khỏe và kinh tế, mà là mục tiêu “kép”: tối thiểu hóa tác hại đến sức khỏe con người, đồng thời lại giảm thiểu tối đa thiệt hại đến kinh tế. Về tổng thể, một kế hoạch “tối thiểu hóa cả hai thiệt hại” từ đầu đại dịch đến nay chưa hề thay đổi tầm quan trọng, tính cấp bách và đòi hỏi các gói chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ phải tính đến.
Đại dịch khiến các chuỗi cung ứng dừng đột ngột, dãn cách xã hội khiến cầu về nhiều loại dịch vụ gần như trở về số không, đồng thời tác động mang tính phân phối của đại dịch đòi hỏi các gói kích thích tài khóa cần được thực thi sớm, nhanh và đủ liều. Trong bối cảnh đại dịch gây ra sự dừng lại đột ngột trong sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ, chính sách tiền tệ có thể có tác dụng rất ít để bù đắp ngay. Tuy nhiên, do đại dịch kéo dài và quy mô tác động lớn hơn nhiều so với dự kiến đã dẫn đến sự kéo dài về thời gian và quy mô của các gói hỗ trợ, sự phối hợp lẫn nhau và việc đồng thời phải triển khai các gói hỗ trợ của các cơ quan hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ đã làm cho “sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trở nên mờ nhạt”.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Covid-19 cũng dường như đã thay đổi quan điểm về tự do thương mại. Sự gián đoạn nguồn cung, đứt gãy của các chuỗi cung ứng cho thấy toàn cầu hóa và hội nhập có thể gặp rủi ro từ những cú sốc dịch bệnh này. Để tránh việc bị phụ thuộc vào các quốc gia khác, giảm áp lực để có nguồn cung an toàn và ổn định hơn, luồng quan điểm chủ nghĩa dân tộc và xu hướng nội địa hóa đã xuất hiện ở một số nước, kết quả là kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa tăng trưởng chậm lại.
GS. Trần Thọ Đạt – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và An Nguyễn – Trường Kinh tế London